Đức Phật nói: Chớ Vội Tin

“Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệmnhận thức xác đáng điều gì là chân chính, lợi ích cho mình và người khác thì quý vị hẵng đem lòng tin tưởng và làm theo.
Đó là tiêu chuẩn của đức tin chân chính”

Công sùng duy chí, nghiệp quảng duy cần

“Công sùng duy chí, nghiệp quảng duy cần (công trạng hiển hách duy chỉ dựa vào chí hướng, sự nghiệp rộng lớn duy chỉ dựa vào sự chuyên cần)” có xuất xứ từ Thượng thư, với đại ý là muốn lập nên công trạng hiển hách thì phải dựa vào chí hướng cao xa và lớn lao; muốn hoàn thành sự nghiệp vĩ đại thì phải làm việc cần cù. Bất kể là một quốc gia muốn thực hiện, hay là một cá nhân muốn làm nên sự nghiệp thì đều cần phải có đầy đủ hai điều kiện, một là lập chí, hai là chuyên cần. Lập chí là tiền đề, chuyên cần là sự bảo đảm, không có chí hướng thì sẽ không đủ để đi xa, không có sự chuyên cần thì sẽ khó làm nên sự nghiệp.

Văn dĩ tải đạo

Các vị lãnh tụ của phong trào cổ văn vào giữa thời nhà Đường như Hàn Dũ, v.v. đã đưa ra quan điểm “văn dĩ minh đạo”, cho rằng ý chính của một bài văn nên phù hợp và nêu cao các bộ kinh điển của bậc thánh nhân. Nhà Lý học thời Tống Chu Đôn Di đã phát triển thêm “văn dĩ minh đạo” thành “văn dĩ tải đạo (lấy văn học để nâng đỡ cái đạo)”, đề xuất văn học giống như là “chiếc xe”, “đạo” tức là những mặt hàng được chở trên xe, văn học là biện pháp và công cụ để truyền bá cái “đạo” của Nho gia. Quan niệm này nhấn mạnh chức năng xã hội của văn học, chỉ rõ tác phẩm văn học nên có nội dung cụ thể, phong phú và có nội dung tư tưởng đúng đắn.

Ngôn giả vô tội, văn giả túc giới

“Ngôn giả vô tội, văn giả túc giới (người nói dù sai cũng vô tội, đáng để người nghe răn mình)” có xuất xứ từ Kinh thi, có nghĩa là người đưa ra ý kiến miễn là có thiện ý thì cho dù có nói sai cũng không có tội; người lắng nghe ý kiến cho dù là không có những khuyết điểm và sai lầm mà người khác đề cập thì cũng đáng để răn mình.

Công sinh minh, liêm sinh uy

“Công sinh minh, liêm sinh uy (công chính sẽ trong sạch, liêm khiết sẽ uy nghiêm)” có xuất xứ từ Quan châm, có nghĩa là xử lý công việc một cách ngay thẳng, công bằng thì mới có thể xét kỹ cái phải trái, làm người thanh liêm thì mới có thể tạo dựng nên uy tín và danh tiếng.

Phòng vi đỗ tiệm

“Phòng vi đỗ tiệm (ngăn chặn sai lầm từ đầu)” có xuất xứ từ Hậu Hán thư, ý chỉ giải quyết sai lầm và vấn đề ngay ở trạng thái manh nha, với nghĩa bóng là bất kể sự vật nào cũng có một quá trình từ ẩn đến hiện, từ bé đến lớn, trong quá trình này còn có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền khác, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa trước những tai hoạ ngầm và vấn đề, kịp thời che lấp những sơ hở thì có thể phải trả giá gấp đôi, thậm chí là dẫn đến tai hại mang tính toàn cục. Quan niệm này đòi hỏi người ta nhận thức sâu sắc và nắm bắt chuẩn xác quy luật diễn biến nội tại của sự vật.

Kiến vi tri trứ

“Kiến vi tri trứ (thấy mầm biết cây)” có xuất xứ từ Hàn Phi Tử, ý chỉ cần phát hiện những manh mối nhỏ nhặt thì có thể biết được xu thế diễn biến hoặc trạng thái tổng thể của sự vật. “Vi” tức là ẩn mật, nhỏ nhặt, không rõ rệt, chỉ sự vật vẫn đang ở trong trạng thái tiềm ẩn mà không dễ bị phát hiện; “trứ” tức là nổi bật, rõ rệt, chỉ bản chất của sự vật đã được hiện ra rõ ràng, đầy đủ hoặc sự phát triển của sự vật đã ở trong trạng thái phát triển đầy đủ. Quan niệm này chỉ rõ rằng bất cứ làm việc gì thì cũng phải nhận thức sâu sắc, nắm bắt chuẩn xác quy luật diễn biến nội tại của sự vật, vừa phải xuất phát từ toàn cục, vừa phải quan tâm đến những chỗ nhỏ nhặt, phòng ngừa trước những vấn đề có thể xuất hiện.

Cư an tư nguy

“Cư an tư nguy (lúc sống yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy nan)” có xuất xứ từ Tả truyện, có nghĩa là lúc sống trong môi trường yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy nan có thể xuất hiện. Đây là một ý thức lâu dài và tích cực về hoạn nạn khốn khó, khuyên răn người ta phải luôn luôn có sự chuẩn bị về tư tưởng đối với những sự kiện xảy ra ngoài ý muốn. “Cư an tư nguy” thể hiện tinh thần tích cực tiến thủ của con người.