Tứ hải chi nội giai huynh đệ

“Tứ hải chi nội giai huynh đệ (người trong bốn biển đều là anh em cả)” có xuất xứ từ Luận ngữ, có nghĩa là tất cả mọi người trong thiên hạ đều thân nhau như anh em. “Tứ hải (bốn biển)” tức là Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải và Bắc Hải, người xưa cho rằng trời tròn đất vuông. “Tứ hải chi nội (trong bốn biển)” là chỉ không gian sinh sống của loài người mà thời ấy đã biết, “tứ hải chi nội giai huynh đệ” đã thể hiện rõ tấm lòng rộng lớn làm phúc cho thiên hạ và tinh thần nhân văn nhân ái hữu nghị của người xưa.

Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ

“Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ (có người cùng chung chí hướng từ nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao)” là câu mở đầu trong cuốn Luận ngữ, ý chỉ những người cùng chung chí hướng đã hội tụ ở xung quanh mình từ các phương hướng và các nơi khác nhau, đây chẳng phải là một chuyện đáng mừng lắm sao? Người cổ đại cho rằng muốn làm nên một việc đặc biệt là muốn làm nên một việc lớn thì cần phải có những người cùng chung chí hướng. Chỉ có làm việc cùng những người bạn cùng chung chí hướng thì mới là điều hạnh phúc, mới khiến cho việc làm có giá trị.

Chí hợp giả, bất dĩ sơn hải vi viễn

“Chí hợp giả, bất dĩ sơn hải vi viễn (nếu cùng chung chí hướng thì cho dù sông ngăn núi cách cũng không cảm thấy xa xôi)” có xuất xứ từ Bão phác tử, có nghĩa là nếu hai người cùng chung chí hướng thì cho dù sông ngăn núi cách cũng không hề cảm thấy có khoảng cách xa xôi giữa hai người, sự giao du qua lại chú trọng vào việc có cùng chí hướng và cùng hứng thú, điều này đã trình bày đạo lý cùng chung chí hướng.

Đọc vạn quyển thư, hành vạn lý lộ

Đọc vạn quyển thư, hành vạn lý lộ (đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường) có xuất xứ từ Hoạ thiền thất tuỳ bút của Đổng Kỳ Xương, có nghĩa là phải chăm chỉ đọc sách, cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về những kiến thức trong sách đọc, nắm bắt kinh nghiệm gián tiếp; đồng thời phải cố gắng tiếp xúc nhiều hơn với thực tế, làm phong phú trải nghiệm của bản thân, mở rộng tầm nhìn, tăng thêm kiến thức. Chỉ có kết hợp lý luận với thực tế, kết hợp kinh nghiệm gián tiếp với kinh nghiệm trực tiếp thì mới có thể vừa có tài năng và học thức thực sự, vừa có thể áp dụng những kiến thức đã học được vào việc vận dụng.

Độc học nhi vô hữu, tắc cô lậu nhi quả văn

“Độc học nhi vô hữu, tắc cô lậu nhi quả văn (học một mình mà không học cùng bạn bè, thì sẽ có kiến thức nông cạn)” có xuất xứ từ Lễ ký, có nghĩa là học một mình mà không dùi mài học vấn cùng bạn bè, thì sẽ có hiểu biết hạn hẹp và kiến thức nông cạn, dẫn đến thất bại trong giáo dục; chỉ có học hỏi lẫn nhau, lấy dài bù ngắn trong việc học thì giáo dục mới có thể thành công được. Trên thực tế, cùng bạn bè dùi mài và thảo luận học vấn cũng là một đặc điểm lớn trong lý luận giáo dục Nho học truyền thống của Trung Quốc, Nho gia luôn cho rằng học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau là nhân tố quan trọng trong việc tăng thêm sự hiểu biết và tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức.

Tự cường bất tức

“Tự cường bất tức (tự cường không nghỉ)” có xuất xứ từ Chu dịch, ý chỉ tự mình cố gắng vươn lên, làm cho bản thân mình ngày một lớn mạnh, không bao giờ ngừng nghỉ. Người xưa cho rằng, các thiên thể vận hành theo bản tính của chính bản thân mình, vững bền mạnh mẽ, tuần hoàn lặp lại, thẳng tiến không lùi và không bao giờ ngừng nghỉ. Người quân tử tuân theo cái đạo của “thiên (trời)”, cũng nên phát huy tính chủ động, tính năng động của mình, cần mẫn không ngừng nghỉ, hăng hái tiến thủ, đây chính là lý tưởng dành cho bản thân mà người Trung Quốc rút ra từ trạng thái vận hành của các thiên thể.