Niềm say mê đối với vật sở hữu

Nguồn: Chiếc nón

Sở hữu đồ vật đóng vai trò quan trọng trong bản sắc của loài người.

Niềm say mê đối với vật sở hữu

Hayley vừa làm xong một con bướm đẹp đẽ bằng dụng cụ cắt bánh qui, cô bé làm bằng cách ấn cái dụng cụ đó vào miếng đất nặn mới lấy từ Pat.

Pat hỏi: “Vậy cái đất nặn mà cháu dùng là của ai?”

Hayley trả lời: “Của cô.”

Pay nói: “Và đó là con bướm của ai?”

Hayley trả lời tự tin: “Của cháu.”

Tại phiên toà, bồi thẩm đoàn sẽ không sẵn sàng đồng ý với Hayley. Hầu hết người lớn sẽ nghĩ rằng người chủ ban đầu của vật liệu, Pat, có được quyền sở hữu hợp lí mặc dù công sáng tạo là của Hayley.

Trong vụ này, Hayley là một cô bé ba tuổi điển hình mà chúng tôi mời vào phòng thí nghiệm tại Bristol, nước Anh, và Pat – một sinh viên đã tốt nghiệp, Patricia Kanngiesser – tiến hành nghiên cứu thái độ đang trên đà phát triển của trẻ con đối với việc sở hữu. Những nghiên cứu của chúng tôi tiếp theo sau những viễn cảnh mang tính cấu trúc mà trong đó các món vật liệu được mượn, trao đổi và bán đi. Những thí nghiệm này là một phần trong lĩnh vực đang lan toả rộng ra nhanh chóng được biết với tên gọi kinh tế học hành vi, là lĩnh vực làm sáng tỏ diễn trình tri nhận sẽ dẫn con người đến chỗ thực thi những quyết định liên quan đến tính sở hữu và công việc buôn bán. Nghiên cứu của chúng tôi có thể liên quan đến trẻ con và miếng đất nặn, nhưng tính sở hữu nằm ở vị trí trung tâm của một số tranh cãi gay gắt trong lịch sử nhân loại.

Gần đây các nhà nghiên cứu phát hiện rằng khái niệm về sở hữu đồ vật phát triển từ rất sớm, đặc biệt đối với những món đồ mà trẻ con dùng để đem lại sự dễ chịu và lớn lên gắn liền với chúng. Suốt cả quãng đời thì chúng ta càng lúc càng dùng đồ vật để thể hiện cá tính của mình. Hơn nữa, theo tâm trí của chúng ta, thì việc chỉ đơn giản chọn một món đồ sẽ gán cho chúng mức giá trị nhiều hơn so với một món đồ tương đồng mà ta không chọn. Sự thiên vị này rõ ràng có gốc rễ nằm trong những cơ chế vận hành của bộ não nhằm định giá trị mức tổn thất và mức đạt được dạng tiềm năng theo tầm quan trọng của cảm xúc. Ít nhất thì trong văn hoá Tây phương, thì con người đối xử với món đồ như thể nó là phần mở rộng ra của chính họ, điều này giải thích tại sao vài người chúng ta dường như tỏ ra phản ứng thái quá đối với sự mất mát, hay sự hư hại đối với món đồ mà ta sở hữu.

Tuyên bố vật sở hữu

Sự thiên lệch của ta về sự sở hữu đồ vật có thể là đặc tính duy nhất có ở người. Chúng ta là những sinh vật duy nhất có thể làm ra và thèm muốn món đồ sở hữu của người khác. Những loài linh trưởng khác có thể tạo ra những dụng cụ thô sơ để chẻ hạt đậu ra hay để chọc vào tổ côn trùng, nhưng những vật dụng nhân tạo này thường bị vứt đi sau khi chúng thực hiện xong chức năng tạm thời. Một số loài vật, đáng chú ý là nhiều chủng loại chim khác nhau, thì thu thập đồ vật hay thậm chí ăn cắp chúng, mặc dù người ta nghi ngờ việc chúng có thể hiểu được hay trân trọng quyền sở hữu. Loài chim ác là (magpie) nổi danh với việc được biết đến là loài hay để mắt tới những vật bóng bẩy. Loài chim đình viên (bowerbird) đực kì lạ ở nước Úc thì thu thập và gom những món đồ lại thành màn mời gọi tinh vi như là một phần của nghi lễ của việc tán tỉnh nhằm thu hút những con cái. Việc đi thu thập ngớ ngẩn này phản ánh phần nào những mẫu hình hành vi mang tính bản năng. Ngược lại, thông qua nền văn minh thì loài người đã chiêm nghiệm, sản xuất, thu thập, trao đổi, định giá trị và thậm chí tôn thờ đồ vật vì chính lợi ích của họ.

Một trong những ví dụ cổ xưa nhất là mảng đất hoàng thổ được khắc vào đó những dấu chéo mà người ta tìm thấy ở Western Cape thuộc Nam-phi. Rất có thể là một phiến đá nghệ thuật, hay có thể là một vật linh thiêng, di vật này cho thấy rằng ít nhất 70,000 năm trước thì con người đã tạo ra và tích luỹ được những món đồ do giá trị thẩm mĩ của chúng. Những món đồ nghệ thuật mà xuất hiện trễ hơn vào thời kì Upper Pleistocene thì phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức làm ra hơn, điều này cho biết rằng loài người sơ khai đã bỏ thời gian và nỗ lực đáng kể để tạo ra những món đồ này thay vì tập trung vào những việc như là hái lượm và săn bắt.

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình1.
Những chủng loài khác nhau tạo mối ràng buộc với đồ vật. Chim ác là (magpie, hình trái) có thể thích thú với những đồ vật sáng bóng, như những ngọn cỏ được sơn trắng. Nhưng chỉ có con người thật sự thèm muốn đồ vật sở hữu. Một tài sản do người làm ra xuất hiện từ rất sớm là một khối đất hoàng thổ được rạch thành một mẫu hình học (hình phải).

Công nghệ sản xuất ngày nay có tất cả điều đó nhưng đã thay thế nhu cầu của chúng ta trong việc tự tạo ra đồ vật cho riêng mình. Mặc dù chúng ta được cho rằng sống trong thời đại của những món đồ xài một lần, nhưng chúng ta vẫn giữ lại được cho mình cái nhu cầu về sự sở hữu. Những ví dụ dễ thấy nhất về nỗi khao khát này là sự gắn bó về cảm xúc mà ta gắn liền với những đồ vật đầy cảm xúc mà vai trò của nó vượt ra ngoài phạm vi công dụng và giá trị thị trường. Hiện tượng dó xuất hiện sớm trong sự phát triển con người – khoảng 60% trẻ em Tây phương không thể tách rời khỏi những món đồ như là thú nhồi bông hay mấy cái mền. Nhân vật Linus trong mảng tranh hoạt hình Peanuts đã kéo lê cái mền của cậu ta tới bất kì nơi nào cậu ta đi đến. Bất kì phụ huynh nào mà có đứa trẻ luôn gắn bó với đồ vật đều có thể chứng thực cho tầm quan trọng mà những miếng giẻ rách hay những con thú nhồi bông cũ kĩ đó đem lại – đặc biệt là khi những món đồ đó bị thất lạc. Những vật dụng linh thiêng này được xem như là độc nhất và không thể thay thế: trẻ con từ chối đổi chúng để lấy những cái giống hệt vậy hay những cái mới hơn, và việc gắn kết với nhiều hơn một vật dụng là điều hiếm xảy ra.

Sự gắn liền với đồ vật trong giai đoạn ban đầu của cuộc đời có thể bắt nguồn từ thói quen của Tây phương về việc đưa đứa bé ra chỗ khác để cho nó ngủ. Những đứa bé đó phát hiện thấy mền và thú bông trong nôi và dùng những món đó để tự dỗ dành bản thân. Tương thích với lí thuyết này, nhà tâm sinh lí học Mieko Hobara của New York State Psychiatric Institute đã báo cáo vào năm 2003 rằng những món đồ gắn kết ở Nhật-bản thì ít thông dụng hơn nhiều, ở đó bọn trẻ ngủ chung với mẹ chúng cho đến giữa tuổi thiếu nhi. (Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chỉ có 38% số trẻ con Nhật trong số những đứa được nghiên cứu là có những món vật dụng này.)

Niềm yêu thích tột độ về những món đồ cụ thể sẽ tăng lên vào độ tuổi từ một đến ba, đạt mức bình ổn vào độ tuổi ba đến bốn, sau đó giảm xuống khi lên sáu tuổi. Vậy mà nhiều người còn giữ được những vật dụng thân thương đó khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Một nhà thần kinh học lỗi lạc nằm trong ban biên tập của tờ tạp chí này nổi tiếng là đi du lịch khắp nơi với con gấu bông Steiff xơ xác, điều cho chỉ ra rằng sự gắn kết không phải chỉ thích hợp cho những người có tâm thức yếu đuối.

Hơn nữa, sự tổn thương mà ta trải qua từ việc mất mát các món đồ thân thương có một cơ sở sinh lí học chung. Trong một nghiên cứu công bố năm 2010, các đồng nghiệp và tôi đã yêu cầu 31 người lớn cắt nhỏ những tấm hình của mấy món đồ thân thương từ thời thơ ấu của họ. Chúng tôi phát hiện rằng quá trình này khêu gợi ra được tâm trạng lo âu đáng kể khi được đo lường bằng những thay đổi nhỏ của độ dẫn điện của da người. Việc yêu cầu những người tham gia thí nghiệm tiêu huỷ đi những bức ảnh của mấy món đồ quí giá như chiếc điện thoại di động vốn không có sự gắn kết thân thương thì, ngược lại, sinh ra phản ứng ít hơn nhiều.

Sở hữu món đồ thế nào thì con người thế nấy

Đồ vật có thể khơi gợi được tính sở hữu vì nhiều nguyên do hơn là vì sự thoải mái. Những đứa trẻ con lúc còn bé giành nhau món đồ chơi và những vật dụng khác để tạo ra cá tính và ưu thế vượt trội so với những đứa khác. Ở các trường mẫu giáo xuyên suốt đất nước thì những tiếng la chói tai “Của tớ!” thường kèm theo nước mắt và những nỗ lực yếu ớt của người lớn hòng thuyết phục bọn trẻ đang túm chặt lấy món đồ mà bảo rằng “chia sẻ mới là điều tốt.”

Nhà tâm lí học người Mĩ William James là một trong những người đầu tiên nhận ra được rằng vật mà ta có được mang một chức năng quan trọng với vai trò đánh dấu cá tính của riêng mình. Năm 1890, James viết thế này trong cuốn Principles of Psychology,

“Bản ngã của một người chính là cái phần tổng thể của toàn bộ những cái mà người đó CÓ THỂ gọi tên, không chỉ là cơ thể hay năng lực siêu việt của người đó, mà còn là quần áo, căn nhà, vợ con, tổ tiên, bạn bè, danh tiếng, những tác phẩm, đất đai, ngựa, du thuyền và tài khoản ngân hàng của người đó.”

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình 2.
Các món đồ thường mang chức năng như là phần mở rộng của bản thân. Con người có xu hướng chọn các nhãn hiệu mà họ cảm thấy chúng sẽ thể hiện được con người của họ – hay là con người mà họ muốn trở thành.

Bởi vì những món đồ của ta định nghĩa phần người trong ta, những trụ sở như nhà tù cố tình tước bỏ chúng để tiệt trừ hết cái phần ý thức của bản thân. Một số trong những bức ảnh ghê sợ nhất từ trại tập trung của Nazi là về hàng đống những món vật dụng và hành lí cá nhân được tịch thu từ người các nạn nhân trong một nỗ lực tước bỏ đặc tính nhân dạng của họ. Những món đồ này giờ đây được xem như là những vật linh thiêng. Năm 2005, Michel Levi-Leleu, một kĩ sư 66 tuổi đã nghỉ hưu, dẫn đứa con gái đến một phòng trưng bày tại Paris về vụ tế thiêu (Holocaust) mượn lại từ Auschwitz-Birkenau State Museum. Trong bộ sưu tập thì ông ta nhận thấy chiếc vali bằng giấy bồi của người cha bị thất lạc lâu năm của ông ấy cùng với tên viết tắt và địa chỉ của người cha đó. Levi-Leleu yêu cầu được hoàn trả lại, điều này dẫn đến tranh chấp pháp lí với viện bảo tàng. Bốn năm sau, hai bên dàn xếp, đồng ý rằng cái vali sẽ được phòng trưng bày tại Paris mượn trên cơ sở dài hạn.

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình 3.
Bằng cách tước đi đồ đạc của tù nhân, nhưng viên chức thực thi pháp luật lột bỏ khỏi người đó một phần nhân dạng.

Ngoài việc góp phần vào ý thức bản thân mang tính cảm xúc ra, thì các món đồ cũng còn mang chức năng biểu hiện sở thích cá nhân. Người ta chọn mua sản phẩm mà họ tin rằng sẽ phản ánh cái chất lượng họ mong muốn đạt được – đó là cái mẫu hình mà các nhà quảng cáo hiện đại đang khai thác trong nhiều năm nay. Các nhà quảng cáo hiểu rằng người tiêu dùng đồng cảm với nhãn hiệu; nhãn hiệu càng cho thấy mức thành công thì người ta càng muốn nó. Đồng hồ Rolex, máy iPod và hàng Nike chỉ là một số trong số những món đồ có thương hiệu mà người ta thậm chí mất mạng vì nó khi tự vệ khỏi những vụ trộm cướp.

Giáo sư marketing Russel W. Bell của trường York University tại Canada gọi quan điểm về chủ nghĩa vật chất này là “phần bản ngã mở rộng.” Chúng ta chọn món đồ gì thì nó sẽ thể hiện ta là người ra sao, và khi những món đồ này bị xâm phạm bởi trộm cướp, thất lạc hay bị hư hỏng, thì ta trải qua việc đó xem nó như là một bi kịch cá nhân.

Chỉ lúc gần đây, tôi mới thấy điều này xảy ra với tôi. Tôi không tự xem mình là kẻ chuyên tự hào về xe hơi, nhưng khi ai đó cố tình quẹt vài nhát cọ vẽ tren chiếc VW Golf vài tháng trước, thì tôi cảm thấy vô cùng tức giận – như thể người ta cố tình thực hiện tội ác đó nhằm chống lại tôi. Mặc dù biết rằng hành vi đó là ngẫu nhiên nhưng tôi cảm thấy tức điên. Những kẻ sát nhân lạnh lùng và bọn buôn ma tuý có thể có được nhận thức đặc biệt về tầm quan trọng của những món đồ sở hữu. Vince, một sát thủ trong một phim kinh điển thời hiện đại Pulp Fiction, đã phàn nàn với Lance, một tay buôn ma tuý, sau khi phát hiện ra rằng chiếc Chevy Malibu của anh ta bị cạy khoá:

Vince: “Tao để nó trong kho suốt 3 năm. Nó được để ra ngoài chỉ trong 5 ngày, và thằng chó chết nào đó phá tung chiếc xe…”

Lance: “Chúng nên bị giết mẹ nó cho rồi. Không xét xử, tòa án gì cả, xử tử thẳng luôn.”

Dĩ nhiên là tôi sẽ không đi quá xa, nhưng khi một ai đó phạm đến tài sản cá nhân của bạn, thì hành vi đó chắc chắn khuấy động được những cảm xúc trong sâu thẳm.

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình 4.
Khi một thứ mà ta sở hữu bị tô vẽ bậy lên thì ta có thể trải qua việc đó giống như là một vụ tấn công nhằm vào cá nhân.

Hiệu ứng sở hữu (The endowment effect)

Thậm chí những ràng buộc ngắn hạn đối với đồ vật cũng có thể ảnh hưởng tới lựa chọn của chúng ta. Về cái mà hiện giờ được xem như là nghiên cứu kinh điển về kinh tế học hành vi năm 1991, nhà tâm lí học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman của trường Princeton University và đồng nghiệp đã phân phát những chiếc ca càphê giá $6 cho một nhóm sinh viên trường Cornell và rồi cho phép những sinh viên đó đổi chác với bạn cùng lớp. Các sinh viên đổi vai trò người bán, người mua cho nhau trong suốt mấy cuộc giao thương, và các nhà nghiên cứu đối chiếu những giá đề nghị mua so với những giá bán chiếc ca đó. Đội của Kahneman đã ngạc nhiên phát hiện rằng rất ít việc giao thương xảy ra. Lí do trở nên hiển nhiên do sự không nhất quán giữa giá bán và giá đề nghị mua: sinh viên định giá trị cho chiếc ca thuộc sở hữu của họ nhiều hơn so với chiếc ca tương tự vậy mà của người khác, điều này đẩy giá bán lên và hạ giá đề nghị mua xuống. Sự thiên vị này, được biết với tên gọi hiệu ứng sở hữu, được nhân bản nhiều lần với những vật dụng khác nhau từ chai rượu cho đến thanh chocolate.

Chỉ có cái triển vọng về việc sở hữu cuối cùng cho một món gì đó – chẳng hạn như đang đấu giá một món đồ tại một phiên đấu giá nọ – mới khiến bạn định giá nó cao hơn, đặc biệt nếu bạn có cơ hội cầm món đó trước khi mua. Năm 2008, nhà tâm lí học James Wolf của trường Illinois State University và các đồng nghiệp tại trường Ohio State University đã dàn dựng một buổi đấu giá giả tạo – một lần nữa lại là về những chiếc ca càphê – cho 84 sinh viên tham gia. Một nửa số người tham gia được cầm chiếc ca trong 10 giây trước khi rao đấu giá, trong khi đó số còn lại được giữ chiếc ca với lượng thời gian gấp ba lần nhóm kia. Những nhà nghiên cứu phát hiện rằng mức giá thắng trung bình của những sinh viên thuộc nhóm được xem xét chiếc ca 30 giây thì đặc biệt cao hơn ($5.80) so với giá trung bình của nhóm 10 giây ($3.70), điều này cho biết hiệu ứng sở hữu mạnh mẽ hơn đối với những người có sự tiếp xúc với chiếc ca nhiều hơn.

Các nhà khoa học sau đó lặp lại thí nghiệm với 60 sinh viên khác để kiểm tra xem cái sự khuấy động sôi sục tạo ra bởi khung cảnh cạnh tranh trực tiếp sống động liệu có thể chịu trách nhiệm cho sự định giá cao hơn đối với những vật được cầm nắm lâu hơn hay không. Họ vận dụng quá trình đấu giá kín, trong đó người đưa giá cao nhất để trong một phong bì được niêm phong lại, và họ phát hiện rằng mức giá đề nghị trung bình từ những người xem xét món đồ lâu hơn ($3.70) vẫn còn cao hơn đáng kể so với những người cầm nắm món đồ trong thời gian ngắn hơn ($2.24). (Tuy nhiên, cái mà cuộc đấu giá tĩnh lặng này chỉ ra là khung cảnh trực tiếp sống động có hệ quả nhất định nào đó.) Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng người ta giữ vị trí mức giá cao nhất càng lâu – điều này đẩy hi vọng về sự sở hữu tương lai của người mua lên cao – thì người đó càng cân nhắc về việc anh ta hay cô ta có ý định đặt cược ngay từ ban đầu, một hành vi đượcb biết đến với tên gọi cơn sốt đấu giá (auction fever).

Lời giải thích thường được chấp nhận cho hiệu ứng sở hữu chính là nó phản ánh một thứ được gọi là tâm lí ác cảm với sự mất mát (loss aversion). Theo lí thuyết này, được đưa ra bởi Kahneman và các cộng sự, thì người ta xem việc mất mát là điều quan trọng còn hơn việc thu lại được ở mức tương đương; nói cách khác, chúng ta sợ mất mát nhiều hơn việc đón nhận lợi ích.

Nhà thần kinh học Brian Knutson của trường Stanford University và các đồng nghiệp đã khám phá những mẫu hình trong hoạt động hệ thần kinh tương thích với ý tưởng rằng những phản ứng cảm xúc của ta đối với những mất mát có thể và lợi ích có thể xảy ra sẽ tiếp nhiên liệu thêm cho hiệu ứng sở hữu. Trong một nghiên cứu năm 2008, đội ngũ của ông dùng phương pháp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để làm bộc lộ những kích hoạt ngày càng tăng của những nucleus accumben, một vùng trong mạng lưới tưởng thưởng (reward circuitry), khi người ta nhìn vào sản phẩm họ thích, bất kể là họ mua hay bán những sản phẩm đó. Khi chúng ta nghĩ chúng ta có thể mua món đồ với giá hời, vùng vỏ não trán trước khu trung tâm (medial prefrontal cortex), một phần khác của hệ thống tưởng thưởng, cũng được kích hoạt – nhưng sẽ không như thế nếu giá quá cao. Nhưng khi những người tham gia thí nghiệm được kêu đi bán một món sản phẩm ưa thích với mức giá thấp hơn họ mong đợi, thì phần thuỳ não trước ở bán cầu não phải được kích hoạt lên. Sự kích hoạt cùng vùng não này báo hiệu tính không nhất quán giữa mục tiêu và kết quả theo ước tính và sự kích hoạt đó có thể được xem như là có mối tương quan thần kinh với sự thất vọng. Hơn nữa, mức hoạt động của thuỳ nhỏ não trước bên phải nhiều bao nhiêu thì hiệu ứng sở hữu lên tiếng nhiều bấy nhiêu – tức là, người tham gia sẽ càng định giá trị vượt mức cho món đồ mà người đó được yêu cầu bán đi.

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình 5.
Hoạt động ở vùng thuỳ nhỏ não phải (màu cam) phản ánh xu hướng của ta khi định mức giá trị quá cao đối với món đồ ta sở hữu. Vùng này sáng bừng lên khi bạn bán một món đồ với giá thấp hơn mong đợi. Hoạt động của nó có thể làm cơ sở cho sự thất vọng của ta.

Những phát hiện về mặt hình ảnh này cung cấp một chứng thực sinh học cho tâm lí ác cảm sự mất mát bằng việc cho thấy rằng tính không nhất quán giữa giá trị nhận được với mức giá bán được đề nghị sẽ sản sinh ra phản ứng cảm xúc tiêu cực. Điều này không chỉ đơn giản là chúng ta thiên lệch về phía những món đồ mà ta sở hữu, mà còn khiến ta cảm giác tồi tệ khi bán một trong những món đồ đó với cái giá thấp hơn giá mà ta tin rằng nó đáng phải được.

Việc kinh doanh của loài khỉ

Hiệu ứng sở hữu được quan sát ở trẻ em lúc chúng sáu tuổi, điều này cho biết rằng nó có thể là cái cơ bản trong khả năng tri nhận của con người. Tuy thế, hiệu ứng này không chỉ có duy nhất ở loài người, bởi vì những loài linh trưởng khác cũng thể hiện được điều đó. Trong một nghiên cứu công bố năm 2007, nhà nghiên cứu linh trưởng Sarah Brosnan, sau này làm việc ở trường Emory University, và đồng nghiệp đã huấn luyện những con vượn cách trao đổi thức ăn và “đồ chơi”, chẳng hạn như những mẩu dây thừng, để lấy những món khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng bọn linh trưởng này miễn cưỡng thực hiện giao dịch thức ăn của chúng với những món ăn được mà mới hơn, nhưng lại giao dịch đồ chơi thoải mái. Theo thói thường, khi mấy con thú được trao sự lựa chọn về những món ăn được, chúng không tỏ ra thích thú với những món thức ăn cụ thể này, điều này cho biết rằng loài vượn gắn giá trị cho thức ăn cao hơn những món khác một khi chúng “sở hữu” những món thức ăn đó.

Nhà tâm lí học của trường Yale University Venkat Lakshminaryanan và đồng nghiệp của ông đã cố xem xét xem những loài khác nếu được huấn luyện việc mua bán thức ăn thì chúng có thể hiện hành vi tương tự hay không. Theo như các nhà nghiên cứu báo cáo năm 2008, họ huấn luyện loài khỉ capuchin – giống khỉ của những kẻ quay đàn hộp hát dạo thường xuất hiện trong những bộ phim như Night at the Museum – cách trao đổi những miếng thẻ để lấy lấy thức ăn. Các nhà khoa học trường Yale thậm chí còn cho bọn thú mấy cái ví nho nhỏ để chúng bỏ tiền vào. Bọn khỉ capuchin sẵn sàng học cách trao đổi với những người làm thí nghiệm, những người này đưa ra những phi vụ làm ăn tốt nhất cho chúng, điều này cho thấy rằng chúng có khiếu về kinh tế. Mọi thứ sớm trở nên rõ ràng về việc mỗi con khi sẵn sàng trả bao nhiêu cho các loại thức ăn khác nhau. Khi bọn khỉ được trao cho thức ăn để trao đổi, chúng, cũng như con người, mong đợi mức giá bán cao hơn mức giá chúng sẵn sàng trả để mua cùng loại thức ăn đó.

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình 6.
Loài khỉ phô bày ra hiệu ứng sở hữu: loài khỉ capuchin mong đợi sẽ nhận được nhiều tiền hơn cho loại thức ăn mà chúng phải đem trao đổi, so với số tiền mà chúng sẵn sàng chi trả để lấy cùng loại thức ăn đó. Ở đây một con capuchin “trả tiền” cho một nhà khoa học bằng một số tiền trong số tiền nó có được.

Cùng năm này Kanngiesser trong phòng thí nghiệm của tôi đã báo cáo rằng một vài chủng loài vượn người, bao gồm khỉ đột hay đười ươi, cũng trưng ra hiệu ứng sở hữu. Công trình của Kanngiesser cũng xác nhận một khác biệt then chốt giữa người và các loài linh trưởng khác, cái mà nghiên cứu của Brosnan về loài vượn đã gợi ý: loài khỉ và vượn người phô bày ra hiệu ứng sở hữu chỉ khi đó là món ăn; chúng không phô bày hiệu ứng với các món đồ khác, không phô bày ra ngay cả khi đó là những dụng cụ được dùng để lấy thức ăn (cái này còn có giá trị thực chất hơn “mấy món đồ chơi” của Brosnan). Cho đến lúc này thì chỉ có con người mới biểu hiện cái hiệu ứng sở hữu đối với đồ vật.

Vun trồng quyền sở hữu

Mặc dù có 30 năm nghiên cứu về hiệu ứng sở hữu, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ vừa mới bắt đầu nhìn vào hiện tượng này theo những nhóm dân cư khác thay vì những sinh viên Bắc Mĩ. Xem ra những nền văn hoá khác có những thái độ khác nhau đối với sự sở hữu đồ vật so với thái độ của chúng ta. Ví dụ, năm 1988, chuyên gia marketing Melanie Wallendorf và nhà nhân chủng học Eric Arnould của trường University of Arizona đã so sánh những người Mĩ miền tây nam với những nông dân người Nigeria và khám phá ra rằng những nông dân định giá trị những món quà từ người khác cao hơn, và phô bày hiệu ứng sở hữu với đồ vật của chính họ ít hơn. Phát hiện này tương thích với quan điểm hiện tại cho rằng những người nông dân Nigeria ít tập trung vào đồ đạc cá nhân hơn mà tập trung nhiều hơn vào những món đồ có ý nghĩa về mặt văn hoá thường được trao đổi và chia sẻ với nhau trong cộng đồng.

Trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, nhà tâm lí học William W. Maddux, hiện tại đang làm việc ở INSEAD tại Paris, và đồng nghiệp đã xác định được rằng hiệu ứng sở hữu cũng không lộ ra mạnh mẽ đối với những sinh viên Đông Á so với những sinh viên Tây phương. Những nhà nghiên cứu lí giải rằng văn hoá phương Tây vốn mang đặc tính thiên về cá nhân hơn có thể sản sinh ra sự gắn kết mạnh mẽ hơn đối với đồ vật, như thể đó là phần mở rộng của bản thân mình. Trong một mánh khoé thông minh, đội ngũ của Maddux cũng đã yêu cầu 116 sinh viên trong cuộc nghiên cứu viết về mối quan hệ của họ với người khác hay là với chính bản thân họ, một nhiệm vụ mà có thể điều chỉnh lại sự tập trung của người ta. Khi những sinh viên Đông Á tập trung vào chính họ, thì họ gán giá trị lớn hơn cho những vật họ sở hữu; những sinh viên Tây phương mà được chỉ bảo viết về người khác thì sự biểu lộ hiệu ứng sở hữu của họ giảm xuống. Cái cách xã hội lưu tâm đến phần bản ngã – cho dù sự chú ý xoay quanh con người như là một cá thể hay như là một thành viên của một nhóm – dường như gây ảnh hưởng lên thái độ con người đối với đồ vật sở hữu.

Trong phòng thí nghiệm của tôi, chúng tôi đang nghiên cứu xem khi nào trẻ con bắt đầu phát triển thái độ hướng đến sự sở hữu như thế này. Ví dụ như năm ngoái, chúng tôi phát hiện rằng khi tới lúc quyết định xem ai sẽ là người sở hữu một món đồ, ngay cả những đứa trẻ con còn rất nhỏ cũng trân trọng thành quả lao động tạo ra món đồ đó, nhưng những đứa trẻ học mẫu giáo ngay từ ban đầu hiếm khi xem xét ai sở hữu những vật này, điều này là cái mà người lớn luôn tính đến. Trẻ con cũng thấy việc sở hữu chỉ giới hạn ở những món đồ thuộc về bản thân chúng, trong khi đó người lớn tôn trọng đồ đạc của người khác. Chúng ta hiện nay đang cố làm rõ chính xác việc thấu hiểu quyền sở hữu ở mức trưởng thành hơn phát triển khi nào trong thời thơ ấu.

Niềm say mê đối với vật sở hữu
Hình 7.
Trẻ con hiểu quyền sở hữu chỉ từ quan điểm của bản thân chúng. Tầm quan trọng của việc tôn trọng đồ vật người khác được thấm nhuần vào giai đoạn sau của cuộc đời.

Việc xác định mốc thời gian chuyển giao như thế này có thể đưa chúng ta gần hơn tới nguồn gốc của những thông lệ do chúng ta định ra về việc ai sẽ sở hữu cái gì. Những ràng buộc này có thể bị ảnh hưởng từ văn hoá, nhưng chúng dường như được dựng trên nền tảng nhu cầu sở hữu đồ vật vốn đã ăn sâu vào gốc rễ của con người. Nhu cầu này có lẽ trỗi dậy từ cái xu hướng ban sơ về việc thèm muốn thức ăn, và nó là diễn trình tâm lí thiết yếu nhằm định hình cái cách ta nhìn vào chính bản thân ta và người khác.

Nguồn:

Hood, Bruce. “Passion for Possessions: Mine!” Scientific American Mind, September/October 2011: 56-63.

Leave a Comment