Làm Sao Để Không Sống Một Đời Tuyệt Vọng Trong Im Lặng

“Nếu như ta đón chào ngày và đêm bằng niềm vui, và cuộc đời tỏa hương thơm ngát, trở nên mềm dẻo hơn, long lanh hơn, vĩnh cửu hơn, – thì đó chính là thành công của ta”

Vài năm trước đây tôi có thấy trên Instagram bức hình một tay chơi sành sỏi ngồi trên chiếc phi cơ riêng, vây quanh anh ta là những cô nàng xinh đẹp trong bộ đồ bikini quyến rũ, hàng chồng tiền, những chai sâm panh thượng hạng, và một khẩu súng lục.

Tiêu đề của bức ảnh?

Hầu như ai cũng sống cuộc đời tuyệt vọng trong im lặng.

Câu cách ngôn này là một sự diễn giải lại những gì mà Henry David Thoreau từng viết trong tác phẩm nổi tiếng Walden (câu danh ngôn nguyên gốc được bắt đầu với “Phần lớn con người sống …”).

Bất kỳ ai với một sự hiểu biết sơ sơ về cuộc đời và quan điểm triết học của Thoreau đều biết rằng cái phong cách sống hưởng lạc, nặng về vật chất, đi du lịch khắp nơi bằng máy bay riêng kia không phải là điều mà ông muốn nói tới.

Tuy lời nói của ông thường không mấy khi được trích dẫn trong những bối cảnh không phù hợp như vậy, nhưng nó vẫn được nhắc tới theo những cách không đồng điệu với ý tưởng của chính tác giả.

Vậy thì, xét cho cùng, Thoreau muốn nói tới điều gì ở đây? Và nếu như một chiếc phi cơ riêng không hoàn toàn mang lại sự giải thoát, vậy thì làm thế nào để con người ta có thể thực sự tránh khỏi việc sống một đời tuyệt vọng trong im lặng?

Vòng Xoáy Hưởng Lạc Mang Tên Tuyệt Vọng

Câu nói nổi tiếng của Thoreau – “Phần lớn con người sống cuộc đời tuyệt vọng trong im lặng” – thường được sử dụng như một lý do cho việc theo đuổi niềm đam mê của một người và tiến tới cuộc sống tránh xa sự xoàng xĩnh của việc chơi nhỏ và đạt được thêm một chút ít những thành tựu tầm thường. Và thực vậy, một trong những câu nói nổi tiếng khác của Thoreau thường được nhắc tới là:

“nếu con người can đảm bước đi tới mơ ước của mình, và cố gắng sống cuộc sống mà anh ta đã hình dung, thì anh ta sẽ gặp thành công bất ngờ trong những giờ phút bình thường.”

Tuy thế, câu nói ít được nhắc đến hơn lại chính là định nghĩa của Thoreau về “thành công”:

“Nếu như anh chào đón ngày và đêm bằng niềm vui, và cuộc đời tỏa hương thơm ngát, trở nên mềm dẻo hơn, long lanh hơn, vĩnh cửu hơn, – thì đó chính là thành công của anh.”

Thành công thực thụ theo quan điểm của Thoreau do đó không thể được hiểu theo nghĩa tiền bạc hay là những giá trị thông thường khác, hay kể cả những thứ kiểu như cuộc phiêu lưu kỳ thú trên Instagram.

Là một người chỉ ru rú xó nhà, ông hiếm khi đi đâu thật xa. Ông từ chối dành toàn bộ thời gian để làm việc tại xưởng sản xuất bút chì của cha mình, cho dù sự thông thạo về máy móc và óc sáng tạo có lẽ sẽ khiến ông trở thành nhân tài kiệt xuất trong ngành này. Thay vì vậy, ông thu xếp cuộc đời mình sao cho chỉ tham gia rất ít vào công việc, và dành thật nhiều thời gian cho việc viết lách và trầm tư mặc tưởng. Và ngay cả khi ông thực hiện việc viết lách, dù ông có quan tâm tới việc các tác phẩm của mình được đọc và được ca ngợi (ít nhất là bởi những người mà ông tôn trọng), thì ông cũng không bằng lòng với việc chỉnh sửa chúng chỉ để thu hút lượng độc giả lớn hơn. Quả thực, như một người bạn và cũng là người thầy của Thoreau, Ralph Waldo Emerson, cho rằng nếu như ở ông có tồn tại khuyết điểm nào đó, thì đấy chính là thiếu tham vọng.

Thực ra lời phê bình này theo một cách nào đó không hề chuẩn xác. Bởi vì dù Thoreau không hề có tham vọng đối với thứ danh vọng theo truyền thống vẫn thường được xã hội tung hê, nhưng ông lại ấp ủ tham vọng với thứ hoàn toàn khác hẳn: cuộc sống. Cuộc sống với những bản chất cốt lõi nhất. Cuộc sống với những dạng thức trọn vẹn nhất.

Tiếp cận thế giới này với trí tưởng tượng rộng mở, Thoreau sống vì sự hiểu biết sâu sắc và những trải nghiệm trực tiếp; cuộc đời không phải là thứ để trải nghiệm ở kỳ thứ cấp. Ông luôn luôn tìm kiếm cái siêu phàm và cái siêu nghiệm, và tính hoang dã không chỉ ẩn giấu bên dưới nền văn minh, mà còn ở trong tâm hồn của chính con người. Mục đích của ông là để hiểu rõ bản thân, và gìn giữ cái bản thể tối cao đó khi đứng trước áp lực phải tuân theo những tính nệ tập tục mơ hồ.

Đó hoàn toàn là một quá trình hướng vào bên trong bản thể, thay vì bước ra ngoài thế giới, và thực ra, những yếu tố bên ngoài vẫn có thể hiện diện trong cuộc kiếm tìm này.

Sự tuyệt vọng, trong suy nghĩ của Thoreau, đến từ việc sở hữu quá nhiều mong muốn. Vấn đề xảy ra đối với sự khát vọng trước những thứ bề ngoài chính là chúng luôn được nhân lên và không khi nào ngừng lại; một mong muốn được thỏa mãn chỉ đơn thuần gây ra sự nóng lòng muốn có thêm thứ khác. Điều này đặt con người ta vào tình cảnh mà các nhà khoa học hiện đại gọi là “vòng xoáy hưởng lạc”; một khi bạn làm ra được nhiều tiền hơn, hay có được một thứ tài sản mới, hay đạt đến một mục tiêu nào đó, ban đầu nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, nhưng rồi bạn trở nên thích ứng với hoàn cảnh mới. Bạn đã vươn lên một tầm cao mới, nhưng đi kèm theo đó là kỳ vọng của bạn, vì thế mà niềm hạnh phúc của bạn rơi trở lại vị trí ban đầu. Bạn do đó sẽ tìm kiếm “quả” khoái lạc khác, như một liệu pháp gây tê. Và khi cái vòng tuần hoàn này tiếp diễn; bạn dường như luôn chạy theo một điều gì đó, nhưng bạn vẫn cứ luôn ở trong cái trạng thái chạy ấy, mắc kẹt trong chiếc bánh xe khát vọng của con chuột hamster. Nhà lý luận xã hội học Gregg Easterbrook gọi cái quá trình theo đuổi những điều chúng ta mong muốn, nhưng không bao giờ cảm thấy đủ này là “phủ nhận sự đầy đủ.”

Thúc đẩy cho cái vòng lặp bất mãn này – và cả sự tuyệt vọng mà nó gây ra – là thực tế rằng việc đạt được những khát vọng bề ngoài thường mang lại tiền bạc. Tiền chỉ có thể kiếm được nhờ vào sự đánh đổi bằng thời gian và sức lao động của một người. Và thường thì đó không phải là cái giá phải trả duy nhất: công việc mà một người phải thực hiện thường đòi hỏi sự thỏa hiệp với hệ chân giá trị, những nguyên tắc sống và cả ước mơ của người đó. Nó đòi hỏi một sự đánh đổi về tính độc lập; ngay cả các thương gia cũng phải tuân theo luật chơi của thị trường.

Do đó, bạn càng muốn có nhiều bao nhiêu, bạn càng cần phải lao lực để trả giá cho nó bấy nhiêu, khi mà bạn càng trở nên ít độc lập hơn, bạn sẽ càng bị đẩy xa khỏi trọng tâm cuộc sống.

Thoreau do đó đã biện luận một cách thích đáng rằng “cái giá của một việc” không chỉ đơn giản là giá trị tiền mặt của nó, mà “giá trị của một thứ là lượng cuộc đời phải bỏ ra cho nó, ngay lập tức hay lâu dài về sau.”

Giải pháp dành cho sự cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ, không đem lại kết quả gì ngoài cảm giác không thấy hài lòng, Thoreau cho là, cần phải đơn giản hóa những mong muốn của bạn – để tách biệt sự tiện nghi và sự thoải mái khỏi những nhu cầu, và giảm thiểu chúng tới mức cơ bản. Hiển nhiên, đây là mục đích chính yếu cho trải nghiệm bên đầm Walden của nhà triết học của chúng ta:

“Tôi vào rừng bởi vì tôi mong mỏi được sống thảnh thơi, để chỉ đối mặt với những điều thiết yếu nhất của cuộc sống, và để xem liệu có phải tôi không thể tiếp thu những điều bắt buộc phải học từ cuộc sống, và rằng không phải đến lúc chết, tôi mới nhận ra rằng mình chưa từng sống.”

Vì vậy, nếu như nỗi tuyệt vọng nảy sinh từ việc tìm kiếm cái nhiều hơn, và giải pháp là học cách bằng lòng với ít hơn, vậy thì câu hỏi duy nhất còn sót lại là:

Ta làm điều này như thế nào?

Nghệ Thuật Biến Ít Thành Nhiều

“Tôi muốn sống thật sâu sắc và hút lấy mọi cốt tủy cuộc sống, để sống thật vững vàng và gan dạ như một chiến binh Spartan đánh tan tác tất cả những gì không phải là cuộc sống, để cắt bỏ những điều không cần thiết và gắn bó với những điều thực sự cốt lõi, để giới hạn lại cuộc đời, và giảm thiểu nó tới mức thấp nhất.”

Câu trên đây là một trong những câu danh ngôn được trích dẫn nhiều nhất của Thoreau. Và là một câu trích dẫn mà ý nghĩa trọng điểm của nó vẫn thường bị bỏ qua.

Để hút lấy cốt tủy cuộc sống thường gợi lên hình ảnh của một sự nỗ lực hướng ngoại rất lớn – những chuyến phiêu lưu tới những nơi chốn xa xôi và những nỗ lực khoa trương của thái độ liều lĩnh táo bạo.

Tuy nhiên phần tủy của xương là những gì ở bên trong nó – là sự sống nằm trong cấu trúc bề ngoài của các sự vật.

Một sự cam kết của việc nắm được những điều cốt tủy của cuộc sống là bí kíp của Thoreau để có thể toại nguyện với sự giản đơn; ông đào sâu hơn vào những điều vẫn luôn hiện hữu, mà vẫn thường bị bỏ qua. Ông tìm thấy những kho báu ở đó mà hoàn toàn miễn phí, tuyên bố rằng “Tất cả những điều tốt đẹp đều hoang dã và tự do.”

Trong khi những người khác tìm kiếm sự lạ thường bên ngoài những điều bình thường, thì Thoreau lại tìm thấy nó ở trong sự tầm thường. Ông có cái khả năng biến mỗi một ngày bình thường thành thiên anh hùng ca.

Hay như lời ông từng nói với một người bạn, đó là thứ nghệ thuật của bậc kỳ tích để biến ít thành nhiều.

Leave a Comment