Bạn có vô tình làm giảm động cơ làm việc của bạn ?

Những hoạt động giải trí thoả mãn những nhu cầu mà chúng ta đã từng được thoả mãn qua công việc.

“Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy bản thân làm việc?”

Tôi từng hỏi bản thân câu đó nhiều lần trong cuộc đời tôi.

Điều đó thật buồn cười. Còn đây là một số câu mà tôi chưa bao giờ hỏi mình:

  • Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy bản thân ăn pizza?
  • Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy bản thân nói chuyện với một phụ nữ quyến rũ?
  • Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy bản thân cởi bộ đồ lạnh, ẩm ướt và trèo vào bồn tắm nước nóng?

Tôi cũng không hỏi những câu như:

  • Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy bản thân chơi game ưa thích của tôi?
  • Làm thế nào tôi có thể thúc đẩy bản thân chơi trò ném dĩa?

Đến lúc này thì một câu hỏi khác xuất hiện.

Tại sao có quá nhiều hoạt động hấp dẫn hơn nhiều so với làm việc?

Tôi thấy những hoạt động trên thúc đẩy tôi một cách rất hiển nhiên. Còn công việc của tôi thì thường là không? Tại sao?

Một số hoạt động trên được thiết kế để giúp thỏa mãn những nhu cầu thể lý của tôi ngay lập tức (về thức ăn, tình dục, sự ấm áp). Những hoạt động đó là cần thiết cho sự tồn tại của tôi.

Nhưng, khi chúng ta so sánh những hoạt động giải trí lúc rảnh rỗi với làm việc, thì sự việc trở nên hơi khó hiểu. Làm việc dường như có một mối quan hệ mạnh mẽ hơn nhiều cho sự khỏe mạnh về mặt tiến hóa của chúng ta hơn là chơi game.

Theo một cách nào đó, điều này cũng khó hiểu như một số thứ khác trong xã hội hiện đại.

Câu chuyện con bọ và chai bia

Ngày xửa ngày xưa, đối với một con bọ cánh cứng đực, một con cánh cứng cái với những lõm nhỏ trên đôi cánh màu hổ phách và bụng căng tròn là thứ gợi cảm nhất trên đời. Thế rồi, những chai bia tròn tròn, cụt cụt xuất hiện ở Úc, và những con cánh cứng đực thực hiện “nghĩa vụ” của chúng với những chai bia, trong khi những con cánh cứng cái lại không hề được ve vãng.

Tại sao những con cánh cứng đực lại si mê những cái chai?

Bạn có vô tình làm giảm động cơ làm việc của bạn?

Những con cánh cứng đực được chọn lọc trong suốt quá trình tiến hoá để chúng bị kích thích bởi những mảng màu hổ phách và những lõm nhỏ và thực hiện hành vi giao phối với bất kể thứ gì trong môi trường xung quanh có mang những dấu hiệu đó (rõ ràng là vậy).

Và hàng thế kỷ qua, những dấu hiệu đó đã dẫn đường cho những con cánh cứng đực giao phối với những con cánh cứng cái. Một dạng hành vi thích nghi [hành vi giao phối và sinh sản – ND] của chu trình sống được kích hoạt bởi những tác nhân kích thích thông thường.

Thế nhưng mọi thứ trở nên thay đổi. Những chai bia Úc tròn và cụt xuất hiện, mang theo những dấu hiệu giống hệt như của con cánh cứng cái, thậm chí còn rõ ràng hơn. Màu nâu hổ phách, những lõm tròn nhỏ ở đế chai bia không chỉ là những dấu hiệu thông thường. Chúng là những dấu hiệu thông thường nhưng với cường độ cực mạnh, gọi là “siêu-kích thích thông thường” (super-normal stimuli), và chúng kích hoạt hành vi thích nghi của những con đực theo một hướng sai lệch.

Hay chúng ta xem xét một câu hỏi khác có liên hệ với con người hơn như:

Tại sao con người lại bị cuốn hút bởi các cửa hàng đồ ăn nhanh?

Đã có lúc món thịt bò hầm với cà rốt, bắp cải và khoai tây hết sức nhạt nhẽo là món ăn ngon nhất trên đời. Bổ dưỡng và đủ đầy.
Bạn có vô tình làm giảm động cơ làm việc của bạn?
Nhưng bây giờ chúng ta có pizza và bánh ngọt. Và khoai tây cần được tẩm gia vị và chiên nếu chúng muốn có được cơ hội mong manh nhận được sự chú ý của chúng ta.

Nhiều người đang bắt đầu nghĩ rằng thức ăn nhanh cũng là một “siêu-kích thích thông thường” đối với con người. (Đây chính là chủ đề của cuốn “The end of Overeating” của David Kessler).

Những thực phẩm toàn phần [thực phẩm không qua chế biến công nghiệp hay có nhưng rất hạn chế – ND], với lượng nước nhiều hơn, hàm lượng chất xơ cao hơn, ít muối và gia vị hơn, là những phần thưởng thông thường của hành vi tìm kiếm thức ăn. Chúng ta nên thích những loại thức ăn đó. Nhưng chúng ta không còn thích chúng nhiều như trước. Chúng ta đã nếm thử pizza, và mọi thứ không còn như cũ nữa.

Trong trường hợp của đồ ăn nhanh, vấn đề không phải nằm ở việc các dấu hiệu bên ngoài là các “siêu-kích thích thông thường” mà là phần thưởng mà ta cảm giác ta nhận được (thật ra, với các chiến lược marketing hiện nay, thì vấn đề nằm ở cả hai yếu tố, do tác động bên ngoài của chiến dịch quảng bá và cả cảm giác của bản thân về phần thưởng. Tuy nhiên, sự việc bắt đầu từ cảm giác bên trong chúng ta). Pizza đem lại mùi vị đường, muối, chất béo và gia vị một cách đậm đà hơn khi so sánh với những thực phẩm toàn phần. Vì vậy, hành vi theo đuổi và ăn pizza được củng cố mạnh mẽ hơn hành vi theo đuổi và ăn những đồ ăn có ít gia vị hơn, ít calo và nhiều chất xơ hơn.

Và điều đó có nghĩa là, khi chúng ta đói, và bắt đầu nghĩ đến ăn món gì, thì pizza và những đồ ăn tiện lợi khác nhiều khả năng xuất hiện trong tâm trí chúng ta hơn là món bò hầm đơn giản. Để làm món bò hầm ngon có thể tốn nhiều giờ chuẩn bị, nhưng bạn chỉ tốn vài phút để tống thức ăn nhanh vào bụng, và ta không ngạc nhiên khi con người ăn ngày càng nhiều thức ăn “siêu-bình thường”, và ít thức ăn bình thường.

Nếu thức ăn nhanh đóng một vai trò nguyên nhân của tiểu đường và béo phì, thì có môt trường hợp khác tương tự về “siêu-kích thích thông thường” gây ra hành vi kém thích nghi.

Bây giờ, với quan điểm về “siêu- kích thích thông thường”, hãy quay lại với trường hợp “công việc”.

Làm việc như một cách để đáp ứng những nhu cầu tâm lý cơ bản

Theo lý thuyết về Sự tự quyết (Self Determination Theory), loài người chúng ta có 3 nhu cầu tâm lý chính: nhu cầu về tính tự chủ (autonomy), nhu cầu về năng lực (competence) và nhu cầu về sự liên hệ hay kết nối với cộng đồng (relatedness). (Xem thêm “The What and Why of Goal Pursuits“)

Và, tin hay không thì làm việc là một cách tuyệt vời để đáp ứng những nhu cầu này.

Nếu bạn là một thợ rèn trong một thị trấn thời Trung cổ, thì công việc của bạn không phải là hoàn hảo. Nó có thể tẻ nhạt, và nhu cầu của mọi người đối với dịch vụ của bạn sẽ có những thăng trầm. Nhưng bạn cũng có thể trau dồi tay nghề của bạn theo thời gian, và trở thành một bậc thầy về luyện kim. Sẽ không có ai chỉ bảo bạn phải làm công việc của bạn như thế nào, bởi vì không có ai giỏi nghề đó như bạn. Và nếu có bất kì ai cần đến dịch vụ rèn kim loại, thì bạn là chuyên gia cung cấp dịch vụ đó cho cộng đồng.

Nói ngắn gọn, nghề của bạn đem đến cho bạn tính tự chủ và cảm giác năng lực trong công việc. Và, vì những người khác phụ thuộc vào những kỹ năng của bạn cũng như bạn phụ thuộc vào những kỹ năng của họ, nên công việc của bạn cũng góp phần vào cảm giác kết nối với cộng đồng của bạn.

Chúng ta bị thu hút trước những hoạt động hứa hẹn đem lại tính tự chủ, năng lực và sự kết nối. Và điều đó có nghĩa là chúng ta ít nhất có thể bị thu hút trước một số loại công việc.

Tuy nhiên, có một lý do khiến ví dụ này đã lỗi thời. Vì một số đặc điểm của môi trường công việc thời hiện đại có thể không đáp ứng được những nhu cầu tâm lý của chúng ta.

Trong thế giới hiện đại, tính tự chủ thường bị ẩn đi bởi nhu cầu của các công ty là phối hợp hoạt động của một nhân viên này với nhân viên khác.

Và cảm giác năng lực cũng bị mất đi bởi thực tế là chúng ta đang sống trong một ngôi làng có 7 tỷ người thay vì vài trăm người. Trong một ngôi làng thời xưa, chúng ta có thể tốn 500 giờ để đạt được vị trí “chuyên gia” cho một kỹ năng. Nhưng trong thế giới hiện đại, chúng ta có thể phải làm việc cả cuộc đời mà vẫn cảm thấy mình tầm thường.

Đó là chưa nói đến việc hiếm có người yêu thích công việc của họ ngày nay. Thực tế là chỉ có một số người có động cơ tích cực muốn nâng cao sự nghiệp. Còn phần lớn chỉ “làm việc để mong đến ngày cuối tuần.”

Và trong khi công việc ngày càng kém thú vị thì các hoạt động khác ngoài công việc lại trở nên thú vị hơn.

Những hoạt động giải trí lúc rảnh rỗi đang ngày càng lôi cuốn

Con người chúng ta đã phát minh ra nhiều hoạt động giải trí lúc rảnh rỗi, và những hoạt động mang tính chất “phần thưởng” nhất được lựa chọn và điều chỉnh, còn những hoạt động kém thú vị thì bị quên lãng.

Khi thế giới trở nên nhỏ bé hơn trong vài thế kỷ vừa qua, chúng ta không chỉ có thể chọn những trò chơi giải trí được phát triển trong cộng đồng của chúng ta mà còn những trò được phát triển ở những cộng đồng khác trên thế giới. Cũng giống như chúng ta dần “biết” tự hỏi mình liệu mình đang có hứng ăn đồ ăn Mexico hay đồ ăn Trung Hoa, chúng ta cũng bắt đầu lựa chọn các hoạt động giải trí từ nhiều lựa chọn hơn so với trước đây.

Môn ném đĩa là một hoạt động rất hấp dẫn đối với nhiều người (bao gồm tác giả). Và một số người (bao gồm tác giả) cho rằng môn ném dĩa có thể được coi là đỉnh cao của “quá trình tiến hoá của hoạt động giải trí từ thời xưa”.

Chơi ném đĩa đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau, đem lại cho con người nhiều cơ hội để phát triển cảm giác năng lực. Mỗi cú ném đem lại sự củng cố. Đôi lúc sự củng cố là tích cực, và đôi lúc là tiêu cực. Khi một người trở nên giỏi hơn ở trò này, những người chơi khác nói “ném tốt đấy” thường xuyên hơn. Và vì có nhiều kiểu ném, thêm vào đó những người chơi có những khả năng thể chất khác nhau nên trò này có một sự tự do nhất định để phát triển một kiểu chơi mang tính cá nhân phù hợp với những khả năng tự nhiên của họ cũng như sự cân bằng giữa 2 yếu tố “rủi ro/phần thưởng” của người đó.

Những kiểu chơi khác nhau này có thể trở nên quan trọng khi chơi một đôi. Hai người chơi trung bình với những kỹ năng bổ sung cho nhau có thể ghép cặp trong một nhóm và trở nên mạnh hơn nhiều so với một phép cộng thông thường khả năng của họ. Và đó là một công thức chắc chắn thành công cho cảm giác về sự liên hệ hay kết nối.

Nói ngắn gọn, trò ném đĩa đem đến cho người chơi cảm giác năng lực, tự chủ và kết nối. Và nó đem đến cảm giác đó nhanh hơn và rõ ràng hơn bất kì công việc nào họ có.

Và điều đó mới chỉ là sự bắt đầu.

Trong quá khứ, những hoạt động giải trí của chúng ta phát triển hơn và lôi cuốn hơn thông qua một quá trình mày mò và chọn lọc tương đối chậm.

Nhưng hiện nay, các nhà phát triển video game rất có ý thức trong việc thiết kế những game để thỏa mãn nhu cầu về tính tự chủ, năng lực và kết nối của chúng ta (đáp ứng được các nhu cầu tâm lý là một trong những tiêu chí Jesse Schell đề xuất trong cuốn “The Art of Game Design“). Và những game đó đang phát triển ngày càng lôi cuốn hơn.

Ví dụ, Skyrim cho phép người chơi đi đến bất kì nơi nào trong thế giới game gần như bất kì lúc nào, và cho phép người chơi có một số quyền tự do để nhào nặn nhân vật của cô ấy theo hình ảnh của riêng cô ấy. Trò chơi đem lại cho người chơi những người bạn ảo để lập thành một nhóm, và mỗi thành viên của nhóm đóng góp một kỹ năng độc đáo cho sự thành công của nhóm. Và, theo thời gian, nhân vật của người chơi được nhận nhiều sự thán phục và kính nể mỗi khi bước chân vào một thị trấn nào đó trong trò chơi.

Rất ít công việc có thể thỏa mãn nhu cầu về tính tự chủ, năng lực và sự kết nối của một người một cách nhanh chóng và thuần khiết.

Những game như Skyrim, Call of Duty, và World of Warcraft có thể đem đến sự tự chủ, năng lực và sự kết nối cho người chơi, tốt hơn bất kì thứ gì trước đây trong lịch sử. Và những game đó đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Con người dành hàng trăm giờ vào những game đó. Hãy tưởng tượng xem những người lập trình game có thể làm được những gì khi những chương trình nhập vai thực tế ảo tiến bộ hơn được đưa lên trực tuyến. Nhiều người có thể sẽ không bao giờ ngừng chơi.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều thích video game. Nhưng các nhà phát triển game đang nhanh chóng tìm ra cách để cung cấp nhiều kiểu kinh nghiệm lôi cuốn nhiều kiểu người khác nhau.

Và những hoạt động khác, như mạng xã hội và video giải trí cũng nhanh chóng phát triển. Điều đó làm dấy lên một câu hỏi khác.

Liệu những hoạt động giải trí của chúng ta có làm giảm sự yêu thích của chúng ta đối với công việc?

Nếu chúng ta đang đói, và có một ai đó mang một củ khoai tây nướng, thì chúng ta có thể không thích nó, mặc cho thực tế là một củ khoai tây có chứa dinh dưỡng tốt. Và một phần của lí do chúng ta thấy khoai tây không ngon đó là vì những thức ăn thời hiện đại ngon hơn đã nâng mức phần thưởng của chúng ta lên. Những phần thưởng cũ, bình thường không thể bì được.

Vì thế, khi chúng ta hỏi bản thân “Làm sao tôi có thể khiến bản thân làm công việc của tôi?”, thì việc nghĩ rằng một cơ chế tương tự đang hoạt động có vẻ hợp lý. Có lẽ chúng ta thấy công việc của mình kém hấp dẫn một phần vì những hoạt động giải trí của chúng ta đã nâng mức phần thưởng của chúng ta, và chúng ta cần một phần thưởng lớn hơn để thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của mình.

Trên cơ sở đó, điều này giúp chúng ta hình thành câu trả lời cho câu hỏi:

Làm sao chúng ta có thể tăng động cơ làm việc của chúng ta?

Có nhiều lý do giải thích tại sao chúng ta mất động cơ làm việc. Thấy công việc tương đối tẻ nhạt hoặc không gây thích thú chỉ là một lý do.

Nếu chúng ta bị bế tắc và cứ chăm chăm vào màn hình máy tính bởi vì chúng ta bị choáng ngợp bởi hàng tá những suy nghĩ mông lung và khiến chúng ta bị phân tâm, chúng ta đơn giản chỉ cần tìm một cách gì đó để đặt những suy nghĩ đó sang một bên và tĩnh tâm lại.

Nếu chúng ta không rõ ràng về mục đích của công việc của chúng ta, thì chúng ta nên xác định lại rõ ràng mục đích của công việc.

Nếu chúng ta không biết cách để làm một việc gì đó thì chúng ta nên lập kế hoạch kỹ lưỡng hơn hoặc học một kỹ năng mới.

Nhưng nếu chúng ta thiếu động lực vì chúng ta thấy công việc của mình buồn tẻ, và chúng ta hay nghĩ về những trò giải trí hơn là nghĩ về công việc, thì khi đó chúng ta có thể:

  1. Làm cho công việc của chúng ta trở nên thú vị hơn.
  2. Giảm tiếp xúc với những ‘thức ăn nhanh tâm lý’.

“Game hoá” nơi làm việc

Mục đích của việc “game hoá” nơi làm việc là để làm cho công việc của chúng ta trở nên lôi cuốn hấp dẫn hơn, tương tự như các trò chơi mà ta thích thú.

Cụm từ này trong những năm trở lại đây trở thành một từ “nóng” thường được nhắc đến, và nhiều tiểu xảo đã được áp dụng thử.

Một số cố gắng game hoá công việc có thể tạo ra những phần thưởng tạm thời và mang tác dụng ngược đối với mục đích về mặt lâu dài của công ty hay nơi làm việc. Một số cách có thể làm cho nhân viên cảm thấy như trẻ con, hay cản trở sự sáng tạo.

Tuy nhiên, nếu được thực hiện đúng, sẽ có nhiều cách để tái cấu trúc lại công việc của chúng ta sao cho nó trở nên hấp dẫn hơn, và có khả năng đem lại sự tự giác, cảm giác tự tin và sự kết nối với công việc.

Và một vài kỹ thuật game hoá nơi làm việc thành công nhất đã được áp dụng trong nhiều thập niên qua.

SCRUM – một kỹ thuật hết sức khéo léo – là một chiến lược phát triển thành công vang dội trong nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế (nhưng đặc biệt là phát triển phần mềm). Một phần của sự thành công của nó nằm ở việc chia nhỏ những dự án lớn thành những nhiệm vụ (còn được gọi là “chạy nước rút”) kéo dài trong một đến hai tuần cho mỗi nhiệm vụ. Phương pháp này cho phép mỗi thành viên của một đội đóng góp vào việc hoàn thành cuộc “chạy nước rút” theo những cách rất đặc trưng của anh ta hay cô ta, và phương pháp này cũng tạo điều kiện cho những phản hồi thường xuyên, điều làm cho các thành viên của đội ngày càng cảm thấy mình có khả năng/tự tin vào năng lực bản thân đối với công việc.

Dừng vui chơi quá nhiều bên ngoài công việc

Làm ơn nói cho tôi biết bạn đang phải đấu tranh với các trò giải trí. Tôi biết tôi đang làm điều đó.

Đây không phải là lời khuyên mang tính bao quát. Cũng cần có chỗ cho những hoạt động giải trí trong đời sống. Có lẽ một ngày nào đó, khi những robot và các phần mềm làm được mọi công việc của con người cần thiết cho kinh tế, thì chúng ta sẽ được tự do theo đuổi bất kì hoạt động lôi cuốn nào phù hợp với sở thích của chúng ta.

Nhưng, nếu bạn nghiêm túc trong việc thăng tiến, mở rộng sự nghiệp thì có lẽ bạn cần giữ cho niềm say mê làm việc của bạn mạnh mẽ. Và điều đó có nghĩa là bạn nên xem xét cắt giảm những hoạt động mà bạn thấy lôi cuốn hơn công việc của bạn.

Tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề và thật cụ thể. Nếu bạn muốn thành công trong công việc, có lẽ bạn nên từ bỏ game ưa thích của bạn. Hoặc bạn nên giới hạn thời gian trên Facebook và các mạng xã hội tương tự. Hoặc bạn nên dừng xem TV.

Lý do những việc này có thể là một ý kiến hay là vì những hoạt động trên chiếm mất thời gian của bạn. Và cũng bởi vì, khi đắm chìm trong chúng, bạn có thể làm cho công việc của bạn trở nên buồn tẻ và không hứng thú bằng sự so sánh với những hoạt động đó.

Và điều đó có thể làm giảm sự say mê công việc của bạn.

Rubi dịch

Nguồn: http://www.psychologytoday.com/blog/clear-organized-and-motivated/201403/have-you-accidentally-sabotaged-your-motivation-work

Leave a Comment